<bgsound src="/Bai Le Van Phuc Nguoi Di.mp3"/> Le Dinh











Quý vị đang thưởng thức nhạc phẩm Phút Chia Ly (1948). Nhạc: Hoàng Trọng. Lời: Nguyễn Túc. Qua phần trình bày của Mai Hương.



Tác giả:



LÊ VĂN PHÚC

Virginia



















Trong đời tôi, ít thấy ai lại có cái số nhàn như thầy Nguyễn Túc.

Từ hồi còn trẻ, thầy đã rong chơi với tiếng hát, cung đàn nên học nhạc, chơi đàn, mở tiệm đàn ở Hà-Nội.

Tới tuổi hai mươi ta đi tòng quân thì thầy sẵn có ngón nghề nên đăng vào Quân Nhạc ở ngoài Bắc.

Khi vào đến trong Nam, thầy làm việc Bộ Quốc Phòng, quản thủ thư viện rồi sang Bộ Ngoại giao, đi làm việc tại toà đại sứ VNCH ở Paris.

Tiện thể ở Paris nên thầy học nhạc để có cái bằng ‘Conservatoire’ trưng cho thiên hạ lác mắt!

Nhiệm sở cuối cùng là toà đại sứ VNCH tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn cho đến khi mất nước năm 1975.

Vợ mất sớm, thầy ở một mình, chung quanh là các con các cháu xa gần.

Thầy tiếp tục đàn ca, viết nhạc, dậy đàn, thâu thanh, làm đĩa, xuất bản nhiều tập nhạc nhưng không phổ biến nên ít ai biết đến tài năng nghệ thuật.

Thầy cũng chẳng quan tâm, miễn vui đời nghệ sĩ là đủ rồi.

Nhờ biết vui đời nghệ sĩ nên thầy có đông bạn nghệ sĩ nổi tiếng như: Đan Thọ, Lê Dinh, Anh Bằng, Nhật Ngân, Văn Phụng, Nhật Bằng, Nguyễn Hiền..

Còn những nghệ sĩ ít nổi tiếng hay chưa nổi tiếng thì không sao kể hết.

Ngoài âm nhạc, thầy còn chơi ảnh nên có cái máy Nikon F-4 to tổ chảng, nặng như cối đá, đi đâu cũng khuân theo. Bất cứ ai nhờ, thầy cũng sẵn lòng giúp. Thầy chụp nhiều hình rất đẹp, rất nghệ thuật, rất thần tình. Rồi in to, in nhỏ, ghi tên người chụp, đóng thành tập gửi dến từng người.

Điều đặc biệt là thầy chưa bao giờ hỏi tiền mua phim, tiền rửa hình, kể cả tiền công. Ai trả bao nhiêu cũng cám ơn, ‘méc-xì very much’.

Bởi thế, phía các bà các cô nhận được hình là mê như điếu đổ! Còn phía mấy ông thì coi chuyện tiền nong là chuyện nhỏ nên không mấy quan tâm. Thầy cũng coi là.. đồ bỏ!

Ngoài âm nhạc và chụp hình, thầy còn quản trị Câu Lạc Bộ mang tên tiếng Tây là ’Club du Jeudi’. Thầy nấu phở theo công thức gia truyền, cứ mỗi thứ năm đón thân hữu đến sực phở miễn phí. Nhưng phải tự động rửa bát chén chứ không có ai hầu ai cả! Club này, trước kia do Văn Phụng làm ‘Manager’.







Khi Văn Phụng nghỉ chơi với bạn bè, rồi Nhật Bằng cũng ra đi thì câu lạc bộ coi mòi vắng khách nên thầy cũng đóng cửa tiệm tại gia cho tiện việc sổ sách.

Thầy có một người bạn văn nghệ tâm đầu là nữ nhạc sĩ dương cầm Linh Phương ở Houston nên thường sáng tác chung rất là đắc ý.

Còn ở chung quanh thầy, không biết bao nhiêu là bạn già trẻ, nam nữ lớn nhỏ, nghề nghiệp khác nhau nên nhà cửa lúc nào cũng có kẻ ra người vào. Người nhờ đệm nhạc, thu bài ca, kẻ cậy chụp hình, người xin cặp loa, kẻ mượn cái máy điện.. Thầy sưu tập nhiều thứ linh tinh nên hầu như cái gì cũng có.

Ai mượn mà nhớ thì trả, không trả thầy cũng không đòi. Nhiều đứa phe lờ đi luôn, thầy cũng coi như chúng nó vẫn còn nợ dài hạn, cứ để đấy!

Thầy có thói quen và cái thú là mỗi sang thứ bẩy lái xe vòng vo mấy khu phố gần nhà để mua ‘ga-ra sêu’. Lần nào về, thầy cũng khuân một đống khung hình, điện thoại, máy móc, đồ chơi, quần áo, giầy dép, linh tinh chẳng đâu vào đâu cả.







Có ai hỏi thầy mua những thứ đó làm gì mà mua lắm thế? Thầy bảo rằng rẻ rề thì mua chơi, để đấy ai cần thì cho, không ai lấy thì bỏ đi, có đáng gì đâu dăm ba cái lẻ tẻ?

Có lần thầy mua được chiếc bàn đá banh mấy tì, còn mới nguyên coi rất lịch sự, nói là để cho cháu nội. Nhưng về đến nhà thì thầy dổi ý, giữ lại để chơi riêng, không cho cháu nào cả!?!?

Với tính tình vô tâm và nhẹ tênh như thế, chẳng trách gì mà thầy lại không nhiều bạn.

Tôi là người thuộc loại áp chót, mới quen biết với thầy được mươi năm nay thôi.

Thầy vốn là bạn với ông anh nuôi của tôi nên coi tôi như em út. Còn tôi coi thầy như hàng sư phụ, là ông anh lớn, là người bạn vong niên. Tính tình của thầy cũng rất phóng khoáng, thích đùa rỡn, bình dị nên tôi được chơi với thầy cũng như cá gặp nước, như sông gặp đò.

Nên tôi đã mang thầy lên mục ‘Những nét đẹp trong tân nhạc’ để đối thoại, bù khú, tán dóc, đùa rỡn rất thoải mái về âm nhạc nước ta.

Được cái là thầy cũng lại chịu chơi nên tôi đã phóng bút, phiếm loạn với thầy hơi nhiều.

Tôi biết thầy khoái loạt bài ấy lắm, bằng chứng là bài nào thầy cũng in thành nhiều bản, ai đến chơi thầy cũng dúi cho một bổn.

Tôi hay có tật chọc ghẹo nên nhiều bản nhạc cuả thầy viết ra, tôi phê bình rồi đổi lời hát một mình. Thầy nghe xong khoái lắm nhưng mắng yêu rằng tôi là ‘con nhà mất dậy’!

Tôi cũng phải cám ơn thầy vì thầy muốn nói rằng, tôi thông minh từ bé nên bố mẹ không phải dậy. Không dậy nên thành đồ mất dậy!

Năm 2006, sau mấy năm quen biết và quan sát, nhận xét về thầy, tôi phóng bút viết bài ‘Thầy tôi: Nguyễn Túc’ gói ghém tất cả những nét độc dáo, đặc thù về con người đặc biệt này.

Tôi cũng bầy tỏ tấm lòng của tôi đối với một ông anh rộng lượng, một người bạn vong niên dễ dãi, một ông thầy bình dị dễ thương.

Để tỏ tấm chân tình một cách cụ thể, tôi thường rủ thầy đi ăn cơm Ta, cơm Tầu, cơm Mỹ, mấy thứ tôi coi là của ngon vật lạ ở xứ này.

Lần nào thầy cũng ‘chén chú, chén anh’ thật tận tình, thoải mái. Mấy năm gần đây, tôi lại dụ khị thầy để cho tôi hớt tóc. Tôi mua ‘tông đơ’, kéo cắt, dao cạo, cứ khoảng hơn 1 tháng tôi lên nhà thầy, Tôi đem chiếc ghế nhỏ vào phòng tắm, mời thầy ngồi thoải mái dể tôi hành nghề. Chỉ sau vài lần hành nghề, thầy đã khen là tôi là có hoa tay từ bé, hớt đẹp không thua gì ‘Hoàng Thơ ở khu Eden’ !?!?

Tất nhiên là tôi hớt miễn phí, dọn dẹp sạch sẽ để thầy khỏi phải lái xe đi xa, đỡ tốn tiền công và ‘puốc boa’ nữa chứ! Chưa bị thầy mắng bao giờ! Nên tôi cũng yên tâm hành nghề không giấy phép!

Mấy tháng trước, thầy lên Oklahoma City thăm các con cháu, bị đau nên nằm trên đó ít lâu. Con cháu mới đề nghị ông già dọn hẳn lên đó để có người trông nom săn sóc, để sau này được ghi danh trong danh sách ‘Nhị thập tứ hiếu’! Thầy cũng phải chiều theo quyết định ấy.

Trở lại DC, thầy tôi thu xếp đóng đồ nghề như bản nhạc, CD, hình ảnh vào dăm chục thùng giấy. Những thứ khác như nồi niêu soong chảo, cho ai muốn lấy thì cứ lấy.

Đồng thời, thầy cũng ra công gom các hình ảnh thân hữu bỏ vào album để tặng từng người.

Thầy biết công việc bề bộn nên đã xin ban quản trị khu nhà cho ở thêm đến hết tháng 7.







Các thân hữu của thầy mới ngỏ lời muốn làm một buổi văn nghệ nhẹ vinh danh, có các nam nữ nghệ sĩ và bằng hữu quây quần tại một nhà hàng.

Nhân tiện, thầy cũng ra mắt CD Bâng Khuâng, sang tác chung với Linh Phương. Dịp này sẽ do nhiều nam nữ nghệ sĩ xa gần cùng hát.

Thầy thấy bạn bè chí tình như thế nên OK ngay. Thế là nhiều buổi họp được triệu tập để chuẩn bị ra quân vào ngày mùng 7 tháng 6 năm 2009.

Đúng ngày ra mắt buổi tiệc ‘Tiễn người đi’, đã có hơn 400 thân hữu đến dự tại nhà hàng Thần tài.

Ai cũng đến với tấm long ưu ái. Người xa thì gọi điện thoại, người gần thì lại găp nhau trò chuyện, ăn uống, ca hát, mua CD thật là vui vẻ.

Những người mà tôi thấy bận rộn nhất, góp công sức nhiều nhất có: Họa sĩ trần Thanh Hoàng, giáo sư Kim Oanh, giáo sư Nguyễn Tường Vân, MC Phan Anh dũng, nhà báo Quốc Vũ, nữ nhạc sĩ Linh Phương cùng hai bạn Quốc Sử&Khánh Hồng đến từ Houston, nữ ca sĩ Thư Loan đến từ California.

Hai khuôn mặt nữ ca sĩ nổi danh một thời là Mai Ngân và Thùy Hương từ Maryland đến tham dự.

Các đại diện VTTH,VTTT, báo chí cũng có mặt.

Một số con cháu xa gần cũng tề tựu nơi đây.

Buổi tiệc tiễn người đi mà lại ấm cúng, vui tươi đến như thế thì đủ hiểu là anh em bà con thân hữu thương yêu thầy tôi đến mức nào rồi.

Buổi văn nghệ phải nói là một thành công ngoài dự đoán của mọi người tham dự!

Trong niềm vui ấy, tôi vẫn thấy có điều gì mơ hồ về sự chia ly. Tuy không nói ra với ai, tôi cứ cầu mong là thầy tôi nếu có rũ áo ra đi thì chẳng thà đi từ chốn này, nơi có biết bao kỷ niệm thân yêu, gắn bó. Chứ nếu thầy lên Oklahoma City hẳn sẽ buồn lắm vì xa bạn bè, ít ai thăm hỏi. Đời sống sẽ kém vui và buồn nản xứ người.





Lê văn Phúc & Nguyễn Túc



Thế nên, khoảng 2 tháng nay, ngày nào tôi cũng phôn cho thầy ít ra là 2 phùa. Mỗi tuần đều rủ hoạ sĩ Hoàng cùng thầy đi uống cà phê. Có khi chúng tôi đi ăn bánh cuốn, bún riêu, có khi đi ăn mì vịt, có khi mua bánh giò, chả chiên về nhà cụ cùng chia nhau ăn, cà phê cà pháo thả dàn.

Trước ngày hội, tôi lại đến hớt tóc cho thầy. Hớt xong, thầy nom bô trai hẳn ra, coi bộ lịch sự và phong lưu có một!

Sức khỏe của thầy tuy yếu đi nhưng vẫn yếu như bình thường. Trước hôm vĩnh viễn ra đi, tôi còn rủ họa sĩ Hoàng và thầy đi La Madeleine trên đường số 7 uống cà phê. Chúng tôi ngồi ngoài hành lang nhâm nhi tách cà phê nóng, nhìn khoảng trời trong xanh mát rượi.Thầy còn bẻ bánh mì ném cho đàn chim nhỏ đứng chờ ăn, ríu rít bên ngoài hàng rào.

Không ngờ, đó lại là lần chót chúng tôi hẹn hò cùng thầy Nguyễn Túc.



TANG LỄ

Tang lễ được tổ chức tại khuôn viên nghĩa trang trên đường Lee Highway. Lễ chính vào buổi chiều Thứ Hai, mùng 6 tháng 7, do các mục sư từ Oklahoma city về chủ tế.

Sau đó là phần cảm tưởng cửa thân hữu với người đã khuất, trong đó có nhà báo Phạm trần, nhà thơ Hà Bỉnh Trung và tôi. Tôi đã gửi lời chia buồn đến đại gia đình, nhất là với anh chị Vũ Văn Dzi & Minh Phượng, và chị Linh Phương. Sau đó, tôi có vài lời nhắn nhủ thầy tôi Nguyễn Túc:

Anh Túc ơi!

Anh ra đi trong sự thanh thản, nhẹ nhàng, để lại nhiều luyến thưong cho những người ở lại.

Nhưng sự ra đi của anh cũng mang đến nhièu tai họa cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này. Đây là một vài dẫn chứng:

- Nhà hàng La Madeleine, nơi mà anh cùng hoạ sĩ Trần thanh Hoàng mỗi sáng đến nhâm nhi cà phê Pháp bỗng nhiên ế khách. Nhà hàng sẽ phải cho nghỉ bớt nhân viên hoặc sang tiệm không chừng.

- Mấy tiệm Staples và Office Depot, hàng ngày anh vẫn đến làm copy, làm CD, in hình mầu lớn nhỏ, mua bì thư, phụ tùng nay bỗng ế ẩm chỉ vì thiếu bóng anh. Hệ thống giây chuyền như xe chở hàng hoá, vật dụng văn phòng cho các tiệm trên cũng phải ngưng lại. Mấy tiệm này ế ẩm như thế chắc sẽ đóng cửa tiệm.

- Phòng bưu điện đầu nhà không còn khách hàng đến gửi thư lớn thư nhỏ, thùng CD, bản nhạc đi Houston và khắp nơi sẽ phải cho nhân viên nghỉ việc và đóng cửa thêm một ngày thường.

- Mấy khu gần nhà anh chuyên bán ‘ga-ra sêu’ chắc chắn sẽ ế dài, ế chẩy ra vì vắng bóng anh mỗi sáng thứ bẩy, không biết tống khứ những đồ tầm tầm ấy đi đâu!

- Hãng điện thoại, đường giây viễn liên cũng bỏ không vì vắng khách gọi đi Houston, Oklahoma City, Louisiana, Canada..Hệ thống vệ tinh không gian chắc cũng vì thế mà bớt hoạt động.

- Nha cảnh sát công lộ vùng Arlington cũng bị hao hụt ngân sách nặng nề vì không còn chộp được người lái xe chạy vượt đèn đỏ để mà biên phạt.

- Các siêu thị VN sẽ ế ẩm vì thiếu đi người khách thường xuyên mua đậu phụ, nước tưong, xì dầu, hột vịt lộn rau dăm, cà phê, giò chả, bánh đậu xanh rồng vàng.

Tạm bấy nhiêu thôi để anh hiểu rằng sự ra đi đột ngột của anh đã gây tiếc thương cho ngưòi thân kẻ thuộc, bằng hữu đã đành mà còn gây ra không biết bao nhiêu là những sự trở ngại cho nền kinh tế Hoa Kỳ...

Anh Nguyễn Túc,

Dẫu sao thì anh cũng đã nhẹ gánh tang bồng để về Nước Chúa trong cõi an bình vĩnh cửu.

Chỉ còn người ở lại là nhớ thương anh.

Với tôi, từ nay tôi biết tâm sự cùng ai những vui buồn trên xứ lạ?

Hay lại đếm những bước chân âm thầm ‘Chiều một mình trên phố’…



Lê văn Phúc

Virginia,7-7-2009



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com